0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2020

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2020
 
 
Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư 2020 với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 (trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật này có hiệu lực từ ngày 1/9/2020) và thay thế Luật Đầu tư 2014 cùng các đạo luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Đầu tư 2014). Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 nhằm nâng cao chất lượng khung pháp lý, tăng hiệu quả thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Gattaca Law xin tổng hợp những điểm mới trong Luật Đầu tư năm 2020 trong bài viết dưới đây.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích thuật ngữ

Nếu như Luật Đầu tư 2014 có 18 thuật ngữ được làm rõ thì đến Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm 5 thuật ngữ bao gồm:
a. Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.
b. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư là tập hợp dữ liệu về các dự án đầu tư trên phạm vi toàn quốc có kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan liên quan.
c. Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh
d. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
e. Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

2. Áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan

So với quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã quy định chặt chẽ về việc áp dụng Luật Đầu tư và các văn bản luật có liên quan, cụ thể: Bổ sung thêm quy định tại khoản 3 Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật như với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp,…

3. Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung các ngành nghề sau vào các ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh; đó là: kinh doanh mua, bán bào thai người; kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

4. Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung:
  • Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
  • Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
  • Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;
  • Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);
  • Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;
  • Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
Bổ sung thêm quy định về Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức:
  • Giấy phép;
  • Giấy chứng nhận;
  • Chứng chỉ;
  • Văn bản xác nhận, chấp thuận;
  • Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi và bổ sung nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan (Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020).

5. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Điều 9 Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc bổ sung thêm quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Luật Đầu tư 2020 nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các FTA, Hiệp định đầu tư song phương và các cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai.

6. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

a. Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư

Đối với hình thức ưu đãi đầu tư: Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung hình thức ưu đãi mới tại điểm d khoản 1 Điều 15 nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế, gồm: Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
 
 

b. Về đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư

Về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 quy định đã có sự rõ ràng, thu hẹp và làm rõ phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi. Từ đó chính sách ưu đãi đầu tư được hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng hưởng phù hợp, xứng đáng. Những thay đổi cụ thể của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư là:
Bổ sung thêm tiêu chí có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động đối với đối tượng là dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bổ sung mới các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
  • Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
  • Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

c. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Điều 16 Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 cụ thể như sau:
  • Giáo dục đại học.
  • Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
  • Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế.
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

d. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

Bổ sung quy định về việc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt tại Điều 20 Luật Đầu tư 2020 và làm rõ tiêu chí các dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế – xã hội mới được hưởng ưu đãi đặc biệt, bao gồm:
  • Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

II. HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư              

Quốc hội, Thủ tường Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 đã có quy định hạn chế hơn đối với Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
  • Thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32).
  • Bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
  • Bổ sung trường hợp với quy mô dân số từ 15.000 người trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 tương đương với quy mô hình thành đơn vị hành chính cấp xã, phường, do vậy cần trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

2. Các hình thức đầu tư

a. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Để tạo thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22.
b. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
Luật Đầu tư 2020 đã có những điểm mới so với Luật đầu tư năm 2014 về tỷ lệ nắm giữ tỷ lệ phần trăm vốn điều lệ như sau:
  • Luật Đầu tư 2020 đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ từ 50% trở lên để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
     Đây là một quy định hoàn toàn mới của Luật đầu tư 2020 về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Trong khi Luật Đầu tư 2014 quy định bao gồm các điều kiện về: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Triển khai thực hiện dự án đầu tư

a. Đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định: Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

b. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư

Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung quy định về việc gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, cụ thể:
Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:
  • Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
  • Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

c. Chuyển nhượng dự án đầu tư

Luật đầu tư năm 2020 đã có những điểm mới so với Luật đầu tư năm 2014 về những điều kiện bắt buộc cho nhà đầu tư trong việc chuyển nhượng dự án như sau:
Bổ sung một số điều kiện nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác phải đáp ứng các điều kiện:
  • Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư 2020.
  • Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản.
  • Doanh nghiệp nhà nước còn có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.

d. Chấm dứt dự án đầu tư

Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm quy định về một số trường hợp giao Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc trường hợp:
  • Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
  • Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự.

III. HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, cụ thể:
Đối với ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài:
  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan.
  • Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện:
  • Ngân hàng.
  • Bảo hiểm.
  • Chứng khoán.
  • Báo chí, phát thanh, truyền hình.
  • Kinh doanh bất động sản.
 
Trên đây là một số điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 mà Gattaca Law đã tổng hợp để gửi đến quý khách hàng.
Thực hiện: Trần Lam