HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN TỔ CHỨC THEO MÔ HÌNH 3 CẤP TỪ NGÀY 1/7/2025 - NHỮNG ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý
Căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 81/2025/QH15, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, hệ thống tổ chức của Tòa án Nhân dân tại Việt Nam sẽ chính thức chuyển đổi từ mô hình 4 cấp sang 3 cấp. Cụ thể, hệ thống mới sẽ gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực. Việc xóa bỏ cấp huyện và cấp cao là một bước đi quan trọng trong lộ trình cải cách tư pháp nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chồng chéo về thẩm quyền, và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xét xử.
I. Mô hình tổ chức ba cấp: Tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả
Theo mô hình mới, hệ thống Tòa án Nhân dân sẽ gồm ba cấp: (1) Tòa án Nhân dân Tối cao, (2) Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, và (3) Tòa án Nhân dân khu vực. Việc xóa bỏ TAND cấp huyện và cấp cao là nhằm tinh giản bộ máy, tránh chồng chéo về thẩm quyền, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử. Trong đó, TAND khu vực sẽ thay thế cho TAND cấp huyện; TAND cấp tỉnh tiếp nhận một phần thẩm quyền từ TAND cấp cao; và Tòa án Phúc thẩm mới được tổ chức trực thuộc TAND Tối cao sẽ thay thế vai trò của TAND cấp cao trong việc xét xử phúc thẩm.
II. Những điểm mới trong phân định thẩm quyền xét xử
1. TAND khu vực – Tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm
TAND khu vực được mở rộng thẩm quyền, bao gồm cả những vụ án, vụ việc mà trước đây thuộc thẩm quyền sơ thẩm của TAND cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Căn cứ Điều 3 Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15, TAND khu vực được tổ chức trên cơ sở hợp nhất các TAND cấp huyện trong một địa bàn nhất định và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Tổ chức TAND cùng các luật tố tụng tương ứng. Cụ thể, TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; giải quyết vi phạm hành chính; quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, TAND khu vực cũng kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các TAND cấp huyện đã bị giải thể, trên phạm vi địa giới hành chính được giao quản lý.
Ví dụ, TAND khu vực 1 – TP.HCM sẽ tiếp nhận và kế thừa nhiệm vụ từ TAND các quận 1, quận 3 và quận 4. Theo địa giới hành chính, TAND khu vực này có thẩm quyền giải quyết các vụ án phát sinh trên địa bàn các phường như: Sài Gòn, Tân Định, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, Bàn Cờ, Xuân Hòa, Nhiêu Lộc, Xóm Chiếu, Khánh Hội, Vĩnh Hội.
Để đảm bảo đồng bộ trong mô hình tổ chức và hoạt động của Tòa án theo cơ cấu mới, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, trong lĩnh vực dân sự và hành chính, TAND khu vực được giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm gần như toàn bộ các vụ án dân sự, hành chính; giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; và tổ chức hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại năm 2020.
Trong lĩnh vực hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2025 quy định rõ: TAND khu vực có quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và cả đặc biệt nghiêm trọng, với điều kiện mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định không vượt quá 20 năm tù. So với quy định hiện hành (trước 1/7/2025), đây là sự thay đổi quan trọng vì TAND cấp huyện trước đây chỉ được xét xử các tội phạm có mức hình phạt tối đa là 15 năm tù.
2. TAND cấp tỉnh – Giám đốc thẩm, tái thẩm và phán quyết trọng tài
Về thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của TAND cấp tỉnh được quyền xét xử sơ thẩm những vụ án về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND khu vực.
TAND cấp tỉnh được quyền xét xử các vụ án của TAND khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số…
TAND cấp tỉnh được trao thêm thẩm quyền thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực. Ngoài ra, cấp tỉnh còn được giao quyền giải quyết các yêu cầu hủy hoặc công nhận hiệu lực phán quyết trọng tài thương mại, theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 (sửa đổi).
3. Tòa Phúc thẩm thuộc TAND Tối cao – Thống nhất hóa công tác phúc thẩm
Thay vì để TAND cấp cao xét xử phúc thẩm như trước, hệ thống mới thành lập 03 Tòa Phúc thẩm trực thuộc TAND Tối cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để xét xử các bản án sơ thẩm của TAND cấp tỉnh. Mục tiêu là bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật và hạn chế tình trạng mâu thuẫn án lệ giữa các vùng.
III. Giai đoạn chuyển tiếp và hướng xử lý vụ việc đang thụ lý
Đối với vụ án, vụ việc TAND cấp huyện đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 mà sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến thay đổi thẩm quyền theo lãnh thổ, thì:
- Nếu đã có quyết định đưa ra xét xử hoặc đã tổ chức phiên họp/kiểm tra/hòa giải: hồ sơ được chuyển cho TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của TAND cấp huyện cũ để tiếp tục giải quyết.
- Nếu chưa có các quyết định, phiên họp nêu trên: hồ sơ được chuyển cho TAND khu vực có thẩm quyền theo địa giới hành chính mới.
- Nếu TAND khu vực tiếp nhận vụ án nhưng phát hiện không đúng thẩm quyền theo lãnh thổ: thì phải chuyển hồ sơ đến TAND khu vực có thẩm quyền thực sự theo đơn vị hành chính cấp xã mới.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2025, mọi kháng cáo, yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc khởi kiện mới đều phải tuân theo cơ chế thẩm quyền mới tương ứng với cấp Tòa án được tổ chức lại.
Mô hình tổ chức Tòa án theo hướng ba cấp là bước đi có ý nghĩa lớn trong cải cách tư pháp Việt Nam. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành hiệu quả, không chỉ cần sửa đổi quy định pháp luật mà còn cần đầu tư mạnh về con người, cơ sở vật chất và đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Các bên liên quan cần chủ động thích ứng để tận dụng cơ hội cải cách, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong một hệ thống tư pháp hiện đại và công bằng hơn.
Anh Tuấn
_____________________________
GATTACA LAW FIRM | Trusted Legal Partner
M: + 84 901763379 | W: gattacalaw.vn | E: lawyer@gattacalaw.vn