0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Trở về

NHỮNG THAY ĐỔI QUAN TRỌNG CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

 
NHỮNG THAY ĐỔI QUAN TRỌNG CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được coi là có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng và trong quá trình đầu tư, kinh doanh nói chung. Dưới đây là những điểm thay đổi quan trọng của Luật doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp hiện hành.

1. Quy định về công ty cổ phần

So với luật doanh nghiệp 2014, các quy định về công ty cổ phần trong Luật doanh nghiệp 2020 có những điểm mới sau:

  • Trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng sẽ chỉ được phát hành và chuyển nhượng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược. Trái phiếu riêng lẻ phát hành cho nhà đầu tư chiến lược sẽ phải là trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền.

  • Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định thêm về khái niệm “chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết”.  Theo đó, cổ phần phổ thông sẽ có thể được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở.  Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

* Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết tên tiếng Anh là Non-voting Depository Receipt, viết tắt là NVDR, đã được quy định tại nhiều nước trên thế giới.  NVDR sẽ thị trường doanh nghiệp Việt Nam thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn bảo đảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sẽ chỉ cần sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (thay vì 10% trong 06 tháng như luật hiện hành) hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty để có quyền (i) xem xét và kiểm tra các tài liệu của công ty, (ii) yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp, và (iii) yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra hoạt động của công ty.

 

  • Đại hội đồng cổ đông sẽ có thêm quyền (i) quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (ii) phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; và (iii) phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

  • Thành viên Hội đồng quản trị khi không còn đủ tiêu chuẩn, không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, hoặc khi có đơn từ chức sẽ bị Đại hội đồng cổ đông, không phải là Hội đồng quản trị, bãi nhiệm/ miễn nhiệm.

  • Cổ đông phổ thông sẽ có thêm nghĩa vụ bảo mật các thông tin được công ty cung cấp và sẽ bị nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

  • Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị sẽ được đổi tên thành Ủy ban kiểm soát

  • Thư ký của Hội đồng quản trị sẽ do Hội đồng quản trị, không phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị, tuyển dụng.

  • Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông sẽ phải được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.

  • Thông báo mới họp Đại hội đồng cổ đông sẽ không còn mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp theo ủy quyền dự họp.

  • Cổ đông sẽ có thể ủy quyền cho nhiều người dự họp Đại hội đồng cổ đông.

  • Mọi cổ đông của công ty, không nhất thiết là cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất trong 01 năm, sẽ có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị mà trái pháp luật, Điều lệ hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

  • Mọi cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông, không nhất thiết phải sở hữu trong thời hạn 06 tháng, sẽ có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác.

2. Quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn

Luật doanh nghiệp 2020 đưa ra một số quy định mới về công ty trách nhiệm hữu hạn, cụ thể:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức sở hữu sẽ không còn bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức sở hữu sẽ phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
    Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân, thì sẽ phải là Chủ tịch của công ty.

  • Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó sẽ phải ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.

3. Quy định về hộ kinh doanh

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2020 đó là đã chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, để xây dựng một luật riêng cho đối tượng này.
Hộ kinh doanh trước trước đây được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2014. Xuất phát từ thực tế số hộ kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn so với các doanh nghiệp, bên cạnh đó bản chất, cách thức và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh cũng rất khác so với doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng một luật riêng điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh là rất cần thiết.
Trong thời gian chưa có luật riêng điều chỉnh cho hộ kinh doanh, Chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn liên quan đến thủ tục đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

4. Quy định về đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp 

Bên cạnh các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định trong khoản 2, điều 18, Luật doanh nghiệp 2014 sau đây:

  • Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

  • Cán bộ, công chức, viên chức;

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm 01 đối tượng khác không được thành lập và quản lý doanh nghiệp được quy định tại điểm g, khoản 2, điều 17: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

5. Quy định về tên địa điểm kinh doanh

Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu, phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.
Từ năm 2021, ngoài quy định về chữ viết nêu trên thì tại khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm yêu cầu, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” (hiện nay chỉ áp dụng với chi nhánh, văn phòng đại diện)

6. Quy định về mẫu dấu

Theo quy định tại khoản 2, điều 44, Luật doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Còn Luật Doanh nghiệp mới không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Theo đó, Luật này bổ sung thêm quy định: dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Ngoài ra, Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

7. Quy định về tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước

Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như hiện nay.
Cụ thể, theo quy định tại điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau:

  • Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

8. Quy định về thông báo tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014).
Còn theo khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp chỉ phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.       
Công ty Luật Gattaca là đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan tới doanh nghiệp. Bất kỳ khó khăn vướng mắc nào trong quá trình hoạt động doanh nghiệp liên quan tới những thay đổi của Luật doanh nghiệp 2020, Quý khách hàng có thể liên hệ với Công ty Luật Gattaca để được hỗ trợ tư vấn
Trên đây là một số điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 do Công ty Luật Gattaca tổng hợp gửi đến Quý khách hàng.
Thực hiện: Trịnh Phương