0901763379

Back

QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI LÀ F0 TỰ ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

25/02/2022

Hiện nay, số lượng ca mắc Covid – 19 đang diễn ra khá phức tạp, khó lường. Đặc biệt, số lượng này tăng nhanh đáng kể sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán do các doanh nghiệp, tổ chức đã hoạt động trở lại, người lao động phải trực tiếp đến doanh nghiệp làm. Tuy nhiên, người lao động là F0 đã tiêm đủ liều vaccine đều có những triệu chứng nhẹ nên đa số đều thực hiện điều trị tại nhà. Một số người lao động không biết rằng, mình đã bỏ đi một số quyền lợi theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ giúp người lao động là F0 tự điều trị tại nhà tìm hiểu đầy đủ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
1. Điều kiện để F0 là người lao động được nhận trợ cấp
Theo quy định tại Điều 24, 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau và Điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
(i) Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc;
(ii) Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Người lao động phải có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và theo quy định tại khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp.
(iii) Ngoài ra, để hưởng một số trợ cấp khác thì người lao động phải đáp ứng các điều kiện cụ thể khác như là người lao động là đoàn viên đang làm việc tại cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn; hoặc người lao động đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn nhưng có đóng phí công đoàn; không vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid – 19.
Như vậy, người lao động là F0 đáp ứng các điều kiện trên thì có thể được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật.
2. Mức hỗ trợ cho người lao động là F0 điều trị tại nhà
a. Hỗ trợ từ Công đoàn
Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau:
* Tối đa 03 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;
* Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.
Lưu ý, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.
b. Tiền bảo hiểm chế độ ốm đau
Theo điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 người lao động là F0 có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau:
* Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 được hưởng 60 ngày.
* Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc…được hưởng theo các mốc: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 được hưởng 70 ngày.
Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
c. Tiền lương do người sử dụng lao động trả
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
* 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
* 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
* 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Vì vậy, trong trường hợp người lao động là F0 ngoài chế độ hưởng chế độ ốm đau như đã nêu trên có thể sử dụng ngày phép để hưởng chế độ nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ luật lao động mà vẫn được hưởng nguyên lương đối với các ngày nghỉ phép này.
d. Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19
Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày quy định tại Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng
3. Thủ tục thực hiện để được hưởng trợ cấp
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, giấy nghỉ ốm hợp lệ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
(i) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;
(ii) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
(iii) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT thì giấy nghỉ ốm chỉ được cấp 01 lần cho 01 lần khám. Và được người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp
Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan BHXH, phải giải trình lý do bằng văn bản.
Sau khi nhận hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp sẽ lập thêm Mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan BHXH trong 10 ngày làm việc.
Bước 3: Nhận tiền trợ cấp ốm đau từ cơ quan BHXH.
Thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ.
GATTACA LAW FIRM
Address: 32 Nguyen Dinh Hoan, Nghia Do, Cau Giay, Ha Noi
Tel: +84 24 320 41777 | Hotline: +84 90 176 3379
Email: lawyer@gattacalaw.vn | Website: http://gattacalaw.vn
 
Có thể là hình ảnh về văn bản