0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

KINH DOANH ONLINE CẦN QUAN TÂM NHỮNG VẤN ĐỀ GÌ?

 
 

 
 
 
KINH DOANH ONLINE CẦN QUAN TÂM NHỮNG VẤN ĐỀ GÌ?

 

Kinh doanh online hay bán hàng trên mạng đang ngày càng phổ biến và tỏ ra là phương thức kinh doanh hiệu quả, đặc biệt vào thời điểm toàn xã hội đang phải dãn cách ly, hạn chế nơi đông người để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xuất phát từ việc nhiều khách hàng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh này, Gattaca Law xin chia sẻ về các quy định pháp luật có liên quan để các chủ thể kinh doanh online biết và thực hiện, tránh việc vi phạm pháp luật không đáng có.

Trách nhiệm đăng ký giấy phép
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39 năm 2007 của Chính phủ: cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như: Mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; bán quà bánh, đồ ăn, nước uống; Các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác;...
Điều 13, Thông tư 47/2014 quy định: Đối tượng là thương nhân thành lập website thương mại điện tử mà trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến mại trực tuyến; đấu giá trực tuyến phải đăng ký với Bộ Công Thương.


Bán hàng online là hình thức kinh doanh đang ngày càng phổ biến

Theo đó, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu đều được phép kinh doanh trên mạng xã hội, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) dưới các hình thức kinh doanh online sau:

  • Hình thức bán hàng thông qua các trang mạng xã hội đã được thiết lập dưới hình thức các sàn giao dịch thương mại điện tử (như Facebook, Zalo, Twitter…), website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) để giới thiệu dịch vụ, sản phẩm. Đây là hình thức kinh doanh trên mạng xã hội thông qua một bên trung gian. Các đơn vị này đều đã thực hiện việc thủ tục cấp giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử thì khi kinh doanh theo hình thức này sẽ không phải tiến hành việc xin bất kỳ giấy phép thương mại điện tử nào cả, tuy nhiên vẫn phải làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy phép kinh doanh nếu không thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.

  • Hình thức bán hàng thông qua website riêng. Đây là hình thức kinh doanh cần tuân thủ một số quy định theo Thông tư số 47/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 21/2018/TT-BCT quản lý website thương mại điện tử và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Như vậy, chỉ những người thành lập các website thương mại điện tử mới phải đăng ký, còn những người bán hàng online đơn thuần trên các website hoặc trên ứng dụng di động như facebook, shopee, instagram… sẽ không phải thực hiện thủ tục này.

Trách nhiệm của người bán hàng online
Mặc dù không phải đăng ký kinh doanh, nhưng người bán hàng online phải có trách nhiệm cụ thể theo Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:

  • Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ như giá cả, phương thức vận chuyển, giao nhận và thanh toán;

  • Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin hàng hóa, dịch vụ;

  • Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Tuân thủ quy định về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

  • Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật


Các loại thuế người bán hàng online phải nộp
* Thuế giá trị gia tăng
Theo Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC, người nộp thuế giá trị gia tăng là cá nhân cư trú, bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, ngoại trừ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.
Cụ thể:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng x 1%
Trong đó:
Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.
* Thuế thu nhập cá nhân
Tương tự như thuế giá trị gia tăng, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x 0,5%
Trong đó:
Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
* Lệ phí môn bài
Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, lệ phí môn bài áp dụng với hoạt động kinh doanh của cá nhân, hộ gia đình (gồm cả hoạt động bán hàng online) được xác định như sau:

  • Nếu doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 01 triệu đồng/năm.

  • Nếu doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 500.000 đồng/năm.

  • Nếu doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 300.000 đồng/năm.

Lưu ý:
Cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong thời gian 6 tháng đầu năm thì nộp lệ phí môn bài cả năm.
Nếu sản xuất, kinh doanh trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Trường hợp không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
Cá nhân, hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng.

Website phải đăng ký với Bộ Công Thương
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư 47/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung bởi thông tư 21/2018/TT-BTC các mạng xã hội, website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm:

  • Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.

  • Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.

  • Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.


Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 47/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 21/2018/TT-BTC, thương nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức đăng nhập vào website của Bộ Công Thương để đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống.
Bước 2: Trong vòng 3 ngày (tính theo ngày làm việc) Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra và duyệt hồ sơ online.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5.

  • Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo như mục thương nhân, tổ chức phải gửi hồ sơ đăng ký bằng bản giấy cho Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số).
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương tiến hành xác nhận đăng ký. Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà thương nhân, tổ chức đã đăng ký để thương nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ.
Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Hồ sơ đăng ký
Điều 14 Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định hồ sơ đăng ký bao gồm:

  • Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

  • Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nộp một trong ba hình thức bản sao trên.

  • Đề án cung cấp dịch vụ.

  • Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

  • Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.

  • Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).


Xử phạt vi phạm về thương mại điện tử
Kể từ ngày 1/1/2014 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Điều 81. Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động)
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
c) Triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký;
d) Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
đ) Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
e) Tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 và Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, đ và e Khoản 4 Điều này.”
Như vậy, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định có thể đối diện với mức xử phạt lên đến 30.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng…

Trên đây là những thông tin về quy định pháp luật mà người bán hàng online cần nắm rõ để tránh bị xử phạt, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình.
Thực hiện: Trần Nghĩa - Gattaca Law