0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

CƠ HỘI THU HÚT FDI VÀO VIỆT NAM THÔNG QUA CÁC FTA THẾ HỆ MỚI

CƠ HỘI THU HÚT FDI VÀO VIỆT NAM THÔNG QUA CÁC FTA THẾ HỆ MỚI

Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có chế độ thuế quan độc lập (như Liên minh châu Âu, HongKong,…) nhằm loại bỏ rào cản thương mại giữa các thành viên ký kết. Các nội dung của một FTA thường bao gồm: quy định về việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; quy định danh mục hàng hóa đưa vào cắt giảm thuế quan; quy định lộ trình cắt giảm thuế quan và quy định về quy tắc xuất xứ.

So với các FTA truyền thống, các FTA thế hệ mới có các đặc điểm nổi trội sau:
  • Phạm vi cam kết rộng. Có thể gọi các FTA thế hệ mới là các hiệp định thương mại tự do toàn diện vì chúng không chỉ bó hẹp nội dung về thương mại như các FTA truyền thống mà còn bao hàm cả những khía cạnh phi thương mại (những khía cạnh không liên quan trực tiếp đến thương mại nhưng có thể gây ảnh hưởng đến thương mại) như phòng vệ thương mại, minh bạch hóa, thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ,… Bên cạnh đó, nếu như các FTA truyền thống chủ yếu chỉ tập trung vào thương mại hàng hóa thì các FTA thế hệ mới còn để cập đến cả những lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ; cạnh tranh; đầu tư; đấu thầu; mua sắm chính phủ; doanh nghiệp nhà nước; phát triển bền vững;…
  • Mức độ cam kết sâu. Ở các FTA thế hệ mới, cam kết cắt giảm thuế quan có thể về mức 0% hoặc gần như bằng 0%, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh gọn trong khoảng từ 5 – 10 năm. Trong khi đó ở các FTA truyền thống, lộ trình cắt giảm thuế quan thường phải mất khoảng 10 năm.
  • Cơ chế giám sát thực thi chặt chẽ và cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng. Với nội dung bao hàm nhiều vấn đề, nhu cầu xây dựng cơ chế giám sát thực thi chặt chẽ và cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng trong các FTA thế hệ mới là tất yếu. Chẳng hạn, các FTA thế hệ mới có thể cho phép nước nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ, đồng thời cũng nêu rõ cơ chế giải quyết tranh chấp bằng việc Nhà nước kiện Nhà nước hoặc nhà đầu tư kiện Nhà nước. Đây là những nội dung mà hầu hết các FTA truyền thống không có.

Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 12/2022), một số FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đã có hiệu lực bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các FTA thế hệ mới chính là những nhân tố quan trọng góp phần giữ vững tín hiệu tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Thông qua các FTA thế hệ mới, Việt Nam có những cơ hội thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như sau:
  • Việc thực thi các cam kết trong các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam tăng cường rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mới để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; từ đó nâng cao sự hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một điểm đến đầu tư;
  • Các cam kết bảo hộ đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam;
  • Các cam kết mở cửa thị trường thông qua việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các ưu đãi về quy tắc xuất xứ sẽ giúp tăng khả năng xuất khẩu của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam để tận dụng cơ hội này;
  • Việc Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn, đa dạng sẽ giúp nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, qua đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu quan tâm, chú ý nhiền hơn đến thị trường Việt Nam.
Minh Phương