0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ 2024

17/7/2024

 ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ 2024

Sáng 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 8 chương 93 điều bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

                             

Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025 với những điểm mới cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bộ Y tế sẽ quy định về khám sức khỏe định kỳ với người lái xe máy.

Khoản 3 điều 51 của Luật TTATGT đường bộ 2024 nêu rõ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Nội dung này đã thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành là người lái xe máy không phải khám sức khỏe định kỳ. Bộ Y tế chỉ quy định việc khám định kỳ đối với người lái ôtô.

Quy định này sẽ có tác động tới đông đảo người dân. Vì theo thống kê đến hết năm 2021, Việt Nam có hơn 67 triệu xe máy. Với dân số hơn 98 triệu, trung bình cứ ba người có hai xe máy[1]. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn do những vấn đề sức khỏe không được phát hiện kịp thời. Quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan y tế trong việc tổ chức và quản lý các đợt khám sức khỏe một cách hiệu quả và công bằng, đảm bảo mọi người lái xe đều được kiểm tra và theo dõi sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, điểm mới này có thể gây thêm phiền toái, đặc biệt đối với những người có công việc bận rộn hoặc điều kiện kinh tế hạn chế.

Thứ hai, xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo hoặc màu sơn riêng.

Theo quy định tại Điều 46 Luật TTATGT đường bộ, ôtô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu như: Bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.

Ôtô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Trước khi tổ chức đưa đón học sinh, cơ sở giáo dục đào tạo phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải cấp tỉnh thông tin gồm: Hành trình đưa đón, danh sách phương tiện, danh sách lái xe; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có).

Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, xe chở học sinh được quản lý giống như các loại xe hợp đồng chở khách.
Việc áp dụng quy định này nhằm mục đích tăng cường an toàn giao thông cho học sinh, giúp các phương tiện dễ nhận diện hơn trên đường và giảm nguy cơ tai nạn. Đối với phụ huynh, quy định này mang lại sự yên tâm hơn khi con em họ được đưa đón bằng những phương tiện có đặc điểm nhận diện rõ ràng, tăng cường khả năng bảo vệ trẻ em trên đường đi học nhằm khắc phục được những sự cố xảy ra gần đây.

Thứ ba, giấy phép lái xe được quy định có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ.

Theo quy định tại Điều 58 Luật TTATGT 2024, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ.

Điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.

Sau ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ giấy phép lái xe của người vi phạm.

Đối với người dân, đặc biệt là người điều khiển phương tiện, quy định này đòi hỏi sự cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt hơn khi tham gia giao thông. Việc bị trừ điểm mỗi khi vi phạm có thể dẫn đến tình trạng tước giấy phép lái xe nếu điểm số giảm xuống mức quy định. Điều này thúc đẩy người lái xe phải tuân thủ luật giao thông, giảm thiểu các hành vi vi phạm và nâng cao an toàn giao thông.

Thứ tư, pháp luật cho phép kiểm tra giấy tờ xe trên ứng dụng VneID.

Luật TTATGT đường bộ đưa ra quy định người tham gia giao thông phải mang các giấy tờ như bằng lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy bảo hiểm. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì người lái xe không phải mang theo.

Như vậy, người lái xe sẽ không cần mang theo giấy tờ xe khi đã tích hợp các loại giấy tờ này trong tài khoản VNeID. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thông tin phương tiện và người lái qua ứng dụng này.

Quy định mới theo này của luật sẽ có nhiều tác động tích cực. Đầu tiên, việc này giúp người lái xe tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro mất giấy tờ, làm tăng sự thuận tiện trong việc tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể kiểm tra thông tin nhanh chóng và chính xác qua ứng dụng, nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra. Quy định này cũng khuyến khích việc số hóa trong quản lý giao thông, tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tạo ra một hệ thống hiện đại và minh bạch hơn.

Thứ năm, lái xe kinh doanh vận tải không làm việc quá 8 giờ mỗi ngày.

Luật TTATGT đường bộ quy định người lái xe kinh doanh vận tải không lái xe quá 8 giờ trong một ngày. Ngoài ra, khung 6h-22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng; dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt và 15 phút đối với tài xế xe vận tải.

Từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, tài xế không được lái xe liên tục quá 3 tiếng; dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với tài xế xe vận tải.

Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành - thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ, không phân biệt ngày hay đêm.
Quy định mới về việc lái xe kinh doanh vận tải không được làm việc quá 8 giờ mỗi ngày có nhiều tác động quan trọng đến người dân và ngành vận tải. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn do tài xế mệt mỏi và quá tải. Người lái xe sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, giúp họ duy trì sự tỉnh táo và khả năng phản ứng nhanh nhạy khi lái xe. Điều này không chỉ bảo vệ tính mạng và sức khỏe của tài xế mà còn của hành khách và những người tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, quy định cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp vận tải. Họ có thể phải tăng số lượng tài xế để đảm bảo lịch trình vận chuyển, dẫn đến chi phí vận hành cao hơn. Các doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc tìm đủ tài xế hoặc duy trì lợi nhuận. Đồng thời, việc kiểm soát và giám sát thời gian làm việc của tài xế cũng đòi hỏi hệ thống quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Thứ sáu, trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước.

Khoản 3, điều 9 của Luật TTATGT đường bộ 2024 quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ôtô con (ghế trước ôtô) (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026).

                              
             

Trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế thiết kế dành cho trẻ, trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ. Nội dung này được bổ sung so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Thay đổi mới này giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ em, đồng thời tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn.

Luật TTATGT đường bộ 2024 có hiệu lực sẽ tác động tốt đến người tham gia giao thông, đến các cơ quan quản lý giao thông. Luật mới có rất nhiều chương, điều cụ thể hóa hơn, quy định rõ trách nhiệm của người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm của người thực thi việc bảo đảm ATGT, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Bên cạnh đó, việc quy định các chế tài nghiêm khắc hơn giúp răn đe, cảnh báo đối với những người tham giao giao thông không tuân thủ các quy định của Luật.

                                                     Thùy Trang

 
[1] Anh Vũ (2023), Điểm mới của dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, https://vnexpress.net/diem-moi-cua-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-4657997.html.