0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

VAY THẾ CHẤP NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI NHÓM NỢ XẤU

29/8/2024

1. Căn cứ pháp lý

  • Thông tư số 31/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có trong hoạt động của Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024)

  • Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thông tin tín dụng của ngân hàng nhà nước Việt Nam  

2. Nội dung
2.1. Khái niệm nợ xấu
Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.  
Theo khoản 1 Điều 10 của Thông tư 11/2021/TT – NHNN quy định về phân loại nợ, nợ được phân thành 5 nhóm như sau:
Nhóm 1 : Nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm:
(i) Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
(ii) Khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
(iii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 1 theo quy định tại khoản 2 Điều này;
Nhóm 2 : Nợ chú ý
(i) Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày, trừ khoản nợ quy định tại điểm a(ii) Khoản này, khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;


         
Nhóm 3 : Nợ dưới tiêu chuẩn
(i) Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(iv) Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng ký văn bản thu hồi khoản nợ (sau đây gọi là ngày có quyết định thu hồi):
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 5, 9 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng;
(v) Khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do khách hàng vi phạm thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
(viii) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này;
Nhóm 4 : Nợ nghi ngờ mất vốn
(i) Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này;
(iv) Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều này chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(v) Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do khách hàng vi phạm thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
(viii) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này;
Nhóm 5 : Nợ có khả năng mất vốn
(i) Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
(ii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
(iii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
(iv) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
(v) Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều này chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được;
(vii) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do khách hàng vi phạm thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(viii) Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
(ix) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều này;
(x) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 31/2024/TT-NHNN:
“ Nợ xấu (NPL) là nợ xấu đang hạch toán trong bản cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc nhóm 3,4 và 5.”
2.2. Vay thế chấp của nhóm nợ xấu tại Ngân hàng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, thông tin nợ xấu của khách hàng sẽ được lưu trữ trong khoảng thời gian tối đa 05 năm, tất cả những khoản nợ xấu dưới 10 triệu đồng cũng sẽ ngừng cung cấp lịch sử sau khi khách hàng tất toán và ngân hàng cập nhật thông tin.
Khi khách hàng có nhu cầu vay thế chấp tại Ngân hàng, Ngân hàng sẽ căn cứ vào hồ sơ pháp lý cá nhân, hồ sơ pháp lý tài sản và khả năng trả nợ để quyết định việc cho vay thế chấp. Theo đó, đối với nhóm nợ 3, 4, 5 được phân loại là nhóm nợ xấu nên hầu hết Ngân hàng đều không duyệt vay thế chấp đối với các nhóm nợ này do rủi ro cao, khả năng trả nợ của bên vay thấp. Hiện nay, với từng nhóm nợ khác nhau, các ngân hàng sẽ có quy định riêng áp dụng với từng nhóm nợ. Cụ thể:
- Đối với nợ nhóm 1 và nhóm 2: Đối với nhóm nợ 1 và 2, thông thường, đối với nhóm 1 thì chỉ cần tất toán xong khoản vay cũ thì người vay có thể vay được khoản vay mới. Tuy nhiên, trong trường hợp thuộc nhóm 2, ngân hàng sẽ đưa ra một số yêu cầu rồi mới đồng ý cho vay như: bắt buộc phải chứng minh thu nhập, chứng minh lý do nợ xấu là khách quan/không cố ý, tài sản thế chấp có giá trị lớn, mức vay không quá cao so với giá trị tài sản…
- Đối với nợ xấu nhóm 3: Trong một số trường hợp nhất định, các Ngân hàng vẫn có thể cho khách hàng có nợ nhóm 3 vay thế chấp đi kèm với nhiều điều kiện khắt khe hơn như: Nhóm khách hàng này đã trả toàn bộ gốc và lãi nợ trước đó; tài sản thế chấp có giá trị cao (thường là bất động sản); chứng minh thu nhập ổn định; chứng minh việc phát sinh nợ xấu là bởi các lý do khách quan không phải mất khả năng thanh toán; có kế hoạch sử dụng khoản vay mới một cách cụ thể, khả thi và có lộ trình trả nợ rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế Ngân hàng rất hạn chế duyệt cho vay đối với khách hàng có lịch sử xấu thuộc nhóm này.
- Đối với nhóm 4,5 thì khách hàng hầu như không thể vay thế chấp tại Ngân hàng cho dù các điều kiện về tài sản thế chấp, khả năng trả nợ có vượt cao hơn các khách hàng nhóm nợ khác.
- Ngoài ra, nếu khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng mà có một khoản nợ bất kì được xác định là nợ xấu theo quy định trên thì toàn bộ các khoản nợ còn lại cũng được xác định là nợ xấu, Ngân hàng cũng phải xem xét hồ sơ kĩ lưỡng đối với các trường hợp khi cho vay thế chấp.
Như vậy, việc cho vay thế chấp của ngân hàng sẽ tùy vào từng tình trạng nợ cũng như các chính sách cho vay của chính ngân hàng đó và khi thuộc nhóm nợ xấu thì khả năng được cho vay là rất khó.
2.3. Vay thế chấp ngân hàng trong trường hợp người thân dính nợ xấu


          
Trong một số trường hợp, người vay có thể không đủ điều kiện vay thế chấp nếu người thân của họ có lịch sử nợ xấu. Thông thường, trước khi phê duyệt khoản vay, các ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng mối quan hệ gia đình và người thân của người vay nhằm xác định hạn mức tín dụng hoặc quyết định cấp tín dụng.
Hiện nay, có ngân hàng xem xét thông tin nợ xấu của cha mẹ, anh chị em ruột của người vay; trong khi một số ngân hàng khác chỉ tập trung vào thông tin của vợ/chồng và con cái. Do đó, nếu ngân hàng không căn cứ vào hồ sơ nợ xấu của người thân, người vay có thể được phê duyệt khoản vay nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo chính sách của ngân hàng.
Ngược lại, nếu ngân hàng quyết định xem xét thông tin nợ xấu của người thân (đặc biệt là vợ/chồng), người vay có thể bị từ chối phê duyệt khoản vay. Đặc biệt, tại một số ngân hàng, trong trường hợp vợ/chồng của người vay có lịch sử nợ xấu, hai bên có thể lập cam kết xác nhận rằng tài sản thế chấp là tài sản riêng, không liên quan đến người còn lại. Khi đó, ngân hàng có thể xem xét phê duyệt khoản vay thế chấp dựa trên tài sản riêng đã được cam kết.

Thùy Trang