0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Trở về

PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN NỢ TẠI VIỆT NAM

17/9/2024

1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật đầu tư 2020
- Luật doanh nghiệp 2020
- Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN)
2. Nội dung                         
Theo quy định của Luật đầu tư 2020 đã bỏ ngành nghề mua bán nợ ra khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do được bãi bỏ được nêu trong Báo cáo thuyết minh chi tiết luật Đầu tư sửa đổi 7267/BC-BKHĐT ngày 04/10/2019 như sau:
Về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” – đối tượng của giao dịch này – bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản khác). Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán.. ). Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua, bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua, bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan đến các chủ thể tham gia; không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014.

        
2.1. Khái niệm về hoạt động mua, bán nợ
Tại điều 450, BLDS 2015 quy định:
“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.”
Bên cạnh đó, Điều 115 BLDS quy định về quyền tài sản như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”
Như vậy, đối với giao dịch mua bán khoản nợ theo đó là giao dịch mua bán quyền tài sản là quyền đòi nợ.
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 09/2015/ TT- NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy định: “ Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đỏi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ”
Như vậy, có thể thấy hoạt động mua, bán nợ chính là chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ ( một dạng tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự) từ bên bán nợ sang bên mua nợ theo nguyên tắc có đền bù.
Hoạt động mua bán nợ của NHTM có thể hiểu là giao dịch trong đó, NHTM sẽ bán một phần hoặc toàn bộ quyền yeu cầu khách hàng vay nợ thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn và những yêu cầu khác của NHTM cho bên mua nợ.
Hoạt động mua bán nợ của DN là giao dịch DN bán khoản nợ khó thu hồi cho một chủ nợ khác có khả năng hơn. Hoạt động này sẽ tạm thời cứu nguy tình hình tài chính của DN, giúp DN thoát ra khỏi gánh nặng kinh tế trong thời gian ngắn.
2.2. Đối tượng và chủ thể của hoạt động mua, bán nợ
- Đối tượng: Các khoản nợ nhưng phổ biến nhất vẫn là nợ xấu. Các khoản nợ này được hình thành khi DN cho vay, NHTM giải ngân vốn cho khách hàng, bên vay/ khách hàng có nghĩa vụ phải hoàn trả theo hợp đồng đã ký kết.
- Đối tượng của hợp đồng mua bán nợ là quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, theo đó, bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ theo Khoản 1, Điều 3, Thông tư 09/2015/TT-NHNN. Một khoản nợ có thể được bán một phần hoặc toàn bộ; bán cho một hoặc nhiều bên mua nợ và có thể mua, bán nhiều lần qua thị trường mua bán nợ sơ cấp và thứ cấp.
- Chủ thể: Luôn có sự tham gia của hai bên: bên mua nợ và bên bán nợ. Bên bán nợ là DN cho vay, NHTM mà khách hàng vay nợ. Bên mua nợ là những chủ thể được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động mua nợ, điển hình là các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được chấp thuận hoạt động mua nợ, tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã đủ điều kiện kinh doanh,..Thông qua việc mua lại các khoản nợ của DN, NHTM, bên mua nợ sẽ trở thành chủ sở hữu mới của khoản nợ và có nhiều cơ hội để thu về khoản lợi nhuận lớn từ việc bán các khoản nợ đó trên thị trường thứ cấp hoặc trực tiếp thu hồi nợ từ con nợ.
2.3. Điều kiện đối với khoản nợ được mua, bán
Điều 4 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN đã đưa ra những quy định cụ thể như sau:
- Hồ sơ, chứng từ, tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng yêu cầu của pháp luật.
- Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ.
- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.
Ngoài các quy định chung về điều kiện khoản nợ được đưa vào giao dịch mua bán nợ thì đối với những khoản nợ được VAMC mua còn phải đáp ứng các điều kiện riêng như được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
2.4. Chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ


          
Như phân tích trên, vì quyền đòi nợ là một quyền tài sản, nên thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cũng sẽ được áp dụng tương tự như việc chuyển quyền sở hữu quyền tài sản, vốn được quy định tại khoản 3 Điều 450 BLDS năm 2015, cụ thể “thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định”.
Vì pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào về việc đăng ký khi chuyển nhượng quyền đòi nợ/quyền yêu cầu, cho nên theo nguyên tắc, thì thời điểm mà bên mua xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ sẽ là: thời điểm mà họ nhận được giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ đó. Ví dụ, nếu khoản nợ là số tiền đã vay, thì giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu quyền đòi nợ ở đây có thể là hợp đồng vay, hoặc thỏa thuận cho vay. Khi đó thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ sẽ là thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ này.
Song, nguyên tắc này có một ngoại lệ đối với các hợp đồng mua, bán nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN). Bởi trong các trường hợp này, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ có thể được các bên trong hợp đồng thỏa thuận mà không phụ thuộc vào thời điểm chuyển giao giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu, cụ thể:
“Chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ
1. Bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ được mua, bán của bên bán nợ kể từ thời điểm bên mua nợ nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ.”
Theo đó, trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng thì bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ được mua, bán của bên bán nợ kể từ thời điểm bên mua nợ nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ. Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc chuyển quyền sở hữu trước khi hoàn tất việc thanh toán hoặc bên mua nợ và bên bán nợ được thỏa thuận về việc bên mua nợ được trả tiền mua nợ (một phần hoặc toàn bộ số tiền mua nợ) sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ.
2.5. Hình thức của Hợp đồng
Theo Khoản 1, Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, hình thức bắt buộc của hợp đồng mua bán nợ là bằng văn bản. Trong đó, hai hình thức phổ biến là điện tử và văn bản giấy truyền thống. Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu, các bên cần tuân theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để được coi là giao dịch bằng văn bản. Do pháp luật không yêu cầu bắt buộc công chứng nên việc công chứng tùy thuộc vào nhu cầu của các bên.
2.6. Thực hiện giao dịch mua, bán nợ
Áp dụng như phương thức chuyển giao quyền yêu cầu theo Điều 365 BLDS, cụ thể:
- Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự dồng ý của bên có nghĩa vụ.
- Thực hiện trách nhiệm thông báo cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ.
- Trách nhiệm sau khi chuyển giao yêu cầu: Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh được về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

Thùy Trang