0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

GIÁM ĐỐC GATTACA LAW TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT VỀ GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC TIẾP CẬN VỐN VAY NGÂN HÀNG

GIÁM ĐỐC GATTACA LAW TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT VỀ GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC TIẾP CẬN VỐN VAY NGÂN HÀNG
 
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo về việc giảm lãi suất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại các ngân hàng thương mại cho thấy vẫn còn những khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
 
Tăng trưởng tín dụng còn thấp

 
Ngày 31-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành, cụ thể: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.
 
Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Ảnh minh họa: vtv.vn
 
Theo số liệu từ NHNN Việt Nam, tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022-thời điểm nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng ở mức không cao, nguyên nhân là do những lĩnh vực trọng điểm, động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, công nghiệp chế biến-chế tạo... suy giảm, dẫn đến cầu tín dụng thấp. Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng thực tế.
 
Trao đổi với phóng viên, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gattaca (Gattaca Law) nhìn nhận, trong thời gian qua, Chính phủ, NHNN Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho các doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Thực trạng này xuất phát từ các nguyên nhân sau: Mặc dù các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhưng theo quy định của Luật Các TCTD hay theo các văn bản hướng dẫn của NHNN Việt Nam thì ngân hàng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, bảo đảm an toàn cho ngân hàng cũng như toàn hệ thống.
 
Hay nói cách khác, mặc dù các ngân hàng đưa ra những chương trình ưu đãi lãi suất nhưng không được phép hạ chuẩn tín dụng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trước đây vốn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì nay, dù ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi cũng vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này. Đa số các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập, tình hình tài chính dễ bị tổn thương hoặc thiếu minh bạch, không có tài sản thế chấp theo quy định nội bộ của TCTD.
 
Ngoài ra, các ngân hàng cũng muốn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng cho các khách hàng truyền thống của mình, những khách hàng vốn có đầy đủ điều kiện theo quy định của TCTD. Cùng với đó, ngân hàng cũng ưu tiên vốn cho các khách hàng có quan hệ với ngân hàng đó đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ thì có thể rơi vào tình trạng phá sản và nếu điều đó xảy ra thì các ngân hàng cũng chịu thiệt hại nặng nề theo. Như vậy, thực tế là các ngân hàng cũng phải lo cho mình trước, các chương trình ưu đãi của TCTD cũng giống như hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” mà thôi.
 
Đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi đó thì việc giảm lãi suất của các ngân hàng mới có thể phát huy hiệu quả thực sự trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.
 
Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác. Các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh về việc tạo thuận lợi từ chính sách thuế thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa. Từ đó mới có thể tạo cú hích tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 
Để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao giá trị của mình. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao kỹ năng quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh và biết chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp tín dụng đầy đủ theo yêu cầu của các TCTD. Chỉ khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng biết nhìn nhận lại bản thân, tự biến mình trở thành khách hàng tiềm năng thì khi đó, chính các ngân hàng sẽ là người chào mời các gói tín dụng ưu đãi dành cho họ.
 
Anh Nguyễn Anh Việt
(Nguồn: https://www.qdnd.vn/)