ĐẠI DIỆN GATTACA LAW FIRM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH
ĐẠI DIỆN GATTACA LAW FIRM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ đã có tác động mạnh mẽ đến các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua việc bỏ hình thức “thuế khoán” và chuyển sang hình thức tính thuế theo doanh thu thực tế thông qua việc triển khai hoá đơn điện tử từ máy tính tiền. Việc làm này nhằm tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác thuế, góp phần bảo đảm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách thuế mới cũng xuất hiện những khó khăn, trở ngại cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trước thực trạng nêu trên, ngày 6/6/2025, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Công ty Luật Gattaca (Gattaca Law Firm) về nội dung này.
PV: Hiện nay, ngành thuế đang yêu cầu các hộ kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh lo sợ việc chuyển khoản khi bán hàng sẽ làm lộ doanh thu thật của cửa hàng và bị truy thu thuế. Do vậy nhiều nơi chỉ nhận tiền mặt hoặc nếu có chuyển khoản thì thu thêm phụ phí. Ông có nhận định gì về thực trạng này?
TS-LS. Nguyễn Thành Nam:
“Trước hết, cần khẳng định việc thay đổi cách tính thuế từ thuế khoán sang tính theo doanh thu thực tế đối với hộ kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên là cần thiết, nhằm bảo đảm công bằng cho các đơn vị kinh doanh, tránh thất thu thuế cho Nhà nước và hạn chế các hành vi gian lận về thuế. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này có phần hơi nóng vội (có hiệu lực từ ngày 1-6-2025) và các hộ kinh doanh chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc thay đổi này, nên việc phản ứng lại một cách tiêu cực của một bộ phận hộ kinh doanh như thu thêm phí hoặc chỉ nhận tiền mặt... là điều không tránh khỏi".
PV: Việc hộ kinh doanh yêu cầu khách hàng chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc thu thêm phụ phí của khách hàng có trái pháp luật hay không?
TS-LS. Nguyễn Thành Nam:
"Xét về mặt pháp lý thì việc hộ kinh doanh thu thêm phí (hay tính thêm thuế giá trị gia tăng) hay yêu cầu khách hàng chỉ thanh toán bằng tiền mặt không trái pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và sự thuận lợi trong giao dịch mua, bán, do khách hàng có xu hướng lựa chọn các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có giá cả thấp hơn và thanh toán thuận tiện hơn. Mặt khác, việc chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt là dấu hiệu cho thấy cửa hàng đang có dấu hiệu che dấu doanh thu nhằm trốn thuế, hành vi này tùy theo mức độ sẽ chịu các hậu quả pháp lý như bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự, bị cấm hành nghề hoặc bị thu hồi giấy phép”.
PV: Theo ông, ngành thuế cần làm gì để người dân hiểu và đồng hành với cơ quan thuế thay cho việc họ tìm cách trốn tránh khai báo doanh thu như hiện nay ạ?
TS-LS. Nguyễn Thành Nam:
Một mặt, ngành thuế cần hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ kinh doanh hiểu và thực hiện đúng các quy định trong Nghị định số 70/2025/NĐ-CP. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền để các hộ kinh doanh biết về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật thuế để từ đó ngăn chặn các hành vi vi phạm. Về lâu dài, ngành thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm đối với hành vi gian lận và trốn thuế, bảo đảm cho môi trường kinh doanh được phát triển lành mạnh. Về phía hộ kinh doanh, cần nghiêm chỉnh tuân thủ quy định pháp luật, tránh tâm lý đối phó một cách tiêu cực, điều này về lâu dài không có lợi cho chính bản thân hộ kinh doanh.
PV: Xin chân thành cảm ơn Ông về các ý kiến chia sẻ hữu ích này!
Tham khảo thêm tại: