0901763379


TÀI LIỆU

xem thêm >>

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

xem chi tiết >>>

GATTACA LAW FIRM

Trusted Legal Partner
Back

DỊCH COVID –19 - MỘT SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG ĐƯỢC VIỆN DẪN TRONG VÔ SỐ CÁC THOẢ THUẬN LIỆU CÓ THỰC SỰ “BẤT KHẢ KHÁNG”?

DỊCH COVID –19 - MỘT SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG ĐƯỢC VIỆN DẪN TRONG VÔ SỐ CÁC THOẢ THUẬN LIỆU CÓ THỰC SỰ “BẤT KHẢ KHÁNG”?
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu. Từ những ngày đầu tiên, COVID-19 đã được viện dẫn như là "sự kiện bất khả kháng" ,một trong những căn cứ để miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng phát sinh từ việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi đại dịch đã trở nên quen thuộc và sẽ còn là một phần của cuộc sống trong tương lai gần, thì liệu việc sử dụng dich Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm và chấm dứt hợp đồng có còn phù hợp với quy định của pháp luật? Hãy cùng Gattaca Law tìm hiểu qua bài phân tích sau đây.
“Sự kiện bất khả kháng” được pháp luật Việt Nam định nghĩa tại khoản 1 Điều 56 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Theo đó, một sự kiện được coi là SKBKK nếu có tất cả ba yếu tố sau:
Thứ nhất, Sự kiện xảy ra là khách quan, hoàn toàn do các yếu tố bên ngoài tác động và quyết định, độc lập với ý chí của con người mà không bên nào trong hợp đồng có thể điều khiển hay kiểm soát được bằng ý chí của mình. Sự kiện đó có thể là các hiện tượng tự nhiên (bão, lũ lụt, sóng thần, động đất,…); các hiện tượng chính trị, xã hội (đình công, bạo loạn, khủng bố,…) và các sự kiện đó phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên vi phạm không thể thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ hai, Trở ngại đó phải không nhìn thấy trước được hay nằm ngoài khả năng dự kiến trước; các bên không biết hoặc không buộc phải biết sự kiện đó sẽ diễn ra; sự kiện đó phải là sự kiện bất thường, không thường xuyên lặp đi lặp lại như một quy luật.
Thứ ba, sự kiện đó phải không thể khắc phục được. Tính không thể khắc phục được có thể thể hiện ở chỗ bên bị ảnh hưởng không thể khắc phục hoặc ngăn chặn sự kiện đó xảy ra, mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép (ví dụ: bên vận chuyển đã nỗ lực tránh bão và thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo sự an toàn của con tàu, nhưng bão vẫn nhấn chìm tàu và toàn bộ hàng hoá trên đường giao cho bên mua).
Vậy, trong trường hợp một bên viện dẫn dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm và/hoặc chấm dứt hợp đồng, cần cân nhắc hai trường hợp:
1. Nếu hợp đồng ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là ‘sự kiện bất khả kháng thì:
Hai bên có nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của pháp luật về miễn trừ trách nhiệm đối với sự kiện bất khả kháng (kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng); và nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thường ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để công nhận miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng.
2. Nếu hợp đồng không có thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là ‘sự kiện bất khả kháng’ thì:
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ xem xét 03 yếu tố của ‘sự kiện bất khả kháng’ quy định tại Điều 156.1 Bộ luật Dân sự năm 2015: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước và (iii) không thể khắc phục được.
Tùy từng trường hợp mà nội dung tranh chấp có được xem là ‘sự kiện bất khả kháng’ hay không. Trong đó, yếu tố thứ (iii) ‘không thể khắc phục được’ là yếu tố khó xác định nhất, cần phải xem xét từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể.
BLDS 2015 không quy định cụ thể về mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và việc thực hiện hợp đồng. Có thể hiểu một cách ngầm định rằng sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Nếu tiếp cận như vậy, việc không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu sự kiện bất khả kháng đó trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ. Khó khăn về tài chính phát sinh từ sự đình trệ hay suy thoái hoạt động kinh doanh dẫn đến một bên không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng là nguyên nhân gián tiếp và không nên được coi là lý do cho việc không thể thực hiện nghĩa vụ. Nếu tính đến cả sự kiện là nguyên nhân gián tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ thì sự kiện bất khả kháng có thể giải thích rất rộng dẫn đến việc bên bị ảnh hưởng dễ dàng sử dụng để miễn trừ trách nhiệm. Các ảnh hưởng gián tiếp chỉ nên xem là trường hợp được miễn trừ trách nhiệm nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận.
Do vậy, không có một đáp án chính xác cho tất cả các trường hợp đối với câu hỏi dịch bệnh Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không mà trong mỗi trường hợp cụ thể, dựa vào bản chất, hoàn cảnh và bối cảnh của từng giao dịch mà chúng ta có thể xác định xem dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong hợp đồng.

Related posts

View All