THẮT CHẶT QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP CÓ NHIỀU ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
| THẮT CHẶT QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP CÓ NHIỀU ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT |
Quá trình triển khai quy định doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp 2014 vào thực tiễn lại cho thấy những bất cập và rủi ro pháp lý nhất định như: Rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, rủi ro trong trường hợp có sự bất đồng giữa các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,... Chẳng hạn có doanh nghiệp có đến 02, 03 người đại diện theo pháp luật, nhưng tại Điều lệ công ty lại không có bất kỳ quy định nào về quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện hoặc quy định không rõ ràng. Vì thế việc xác định người đại diện nào có thẩm quyền đứng ra ký kết một hợp đồng, giao dịch cụ thể là rất khó.
Khắc phục các bất cập trên, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành đã có những quy định đổi mới đối với chế định người đại diện theo pháp luật. Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trước những quy định này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp và chính những người đại diện theo pháp luật khi xây dựng cơ chế nhiều người đại diện theo pháp luật cần thiết phải xác định rõ phạm vi quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện để tránh các rủi ro pháp lý phát sinh về sau.